Philip Arthur Fisher là một nhà đầu tư đại tài nổi tiếng của Mỹ, ông được biết đến là 1 trong 2 người thầy của Warren Buffett và là người đi đầu của phương pháp đầu tư tăng trưởng. Fisher ưa thích đầu tư vào những doanh nghiệp có chất lượng, được quản lý tốt và tăng trưởng cao. Ông có thói quen nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường – Common Stocks & Uncommon Profits” của ông, Fisher đã đưa ra 15 tiêu chí chọn cổ phiếu mang lại lợi nhuận phi thường. Ông thường đầu tư vào những công ty đạt ít nhất 10/15 tiêu chí ông đề cập trong sách. Đó cũng là nền tảng giúp ông có thể được coi là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất.
Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu một cách tóm tắt 15 tiêu chí chọn cổ phiếu của Fisher cho các nhà đầu tư:
- Tiêu chí 1: “Liệu công ty có những sản phẩm và dịch vụ có đủ tiềm năng, thị trường đủ lớn để tăng doanh thu ít nhất trong vài năm tới không?”
Ở đây cụm từ ông muốn nhấn mạnh là có tiềm năng phát triển trong vài năm tới chứ không chỉ đơn giản là trong thời gian đã qua hoặc hiện tại. Khi các bạn đọc báo cáo tài chính quá khứ công ty có được những con số rất tuyệt vời, nhưng không có gì đảm bảo điều đó sẽ tiếp diễn trong tương lai.
- Tiêu chí 2: “Bộ máy quản lý của công ty có quyết tâm tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm hay những quy trình sản xuất, nhằm gia tăng hơn nữa tổng doanh thu trong khi tiềm năng tăng trưởng của các dòng sản phẩm hấp dẫn hiện tại đã bị khai thác quá nhiều?”
Nhiều doanh nghiệp có hiện tượng ngủ quên trên chiến thắng. Khi công ty đã phát triển mạnh và chiếm thị phần cao trên thị trường, những nhà quản lý lại không chú trọng đầu tư cho việc phát triển sản phẩm mới. Chỉ đến lúc những đối thủ cạnh tranh nguy hiểm bắt đầu nổ những phát súng đầu tiên cho cuộc chiến thị phần thì mới bắt đầu phát triển sản phẩm, đôi khi lúc đó đã quá muộn.
- Tiêu chí 3: “Những nỗ lực nghiên cứu và phát triển của công ty sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy mô của nó?”
Ở tiêu chí này Fisher đánh giá cao việc nỗ lực nghiên cứu và phát triển của công ty. Phần lớn số tiền bỏ cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới chưa đem lại lợi nhuận ngay trong ngắn hạn. Vì vậy nếu tiềm lực tài chính không đủ mạnh nhưng chi quá tay cho R&D rất có thể ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của công ty, có thể khiến công ty vỡ nợ hoặc phá sản.
- Tiêu chí 4: “Cách thức tổ chức bán hàng của công ty đã hiệu quả chưa?”
Cách tổ chức bán hàng của công ty ảnh hưởng rất lớn tới sự tăng trưởng và quy mô của doanh thu. Tất nhiên vẫn có nhiều công ty doanh thu cao mà không cần quan tâm tới cách tổ chức bán hàng, nhưng hầu hết đó là khi thị trường vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Chỉ đến khi có nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt, thị trường bão hòa khi đó cách tổ chức bán hàng mới phát huy hết tác dụng của nó và giúp doanh nghiệp sống sót trong thời kỳ khó khăn.
- Tiêu chí 5: “Biên lợi nhuận của công ty có cao không?”
Biên lợi nhuận cao là một trong những nhân tố quan trọng mà nhiều nhà đầu tư theo trường phái đầu tư cơ bản quan tâm đầu tiên. Biên lợi nhuận được tính toán bằng cách lấy tổng thu nhập hoặc lãi ròng chia cho doanh thu. Ý nghĩa của chỉ số này cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập.
Biên lợi nhuận là một chỉ số rất hữu ích khi tiến hành so sánh các công ty trong cùng một ngành. Công ty nào có biên lợi nhuận cao hơn chứng tỏ công ty đó có lãi hơn và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh của nó. Biên lợi nhuận qua nhiều năm của công ty tăng lên và luôn ở mức cao nhất trong ngành chứng tỏ công ty bạn nghiên cứu đang có một lợi thế cạnh tranh bền vững.
- Tiêu chí 6: “Công ty đang làm gì để duy trì hoặc cải thiện biên lợi nhuận?”
Như ở tiêu chí 5 biên lợi nhuận rất quan trọng khi chọn lựa công ty theo trường phái tăng trưởng. Nhưng tất nhiên những con số biên lợi nhuận bạn đã tính toán ra cũng chỉ là các con số trong quá khứ. Cái quan trọng là công ty vẫn có thể giữ được biên lợi nhuận cao như vậy, thậm chí tăng biên lợi nhuận trong tương lai.
- Tiêu chí 7: “Mối quan hệ giữa bộ máy lãnh đạo và người lao động trong công ty có tốt không?”
Nhiều nhà đầu tư thường không chú trọng đến khía cạnh này nhiều. Nhưng với Fisher đây lại là một trong những tiêu chí quan trọng để chọn mua cổ phiếu. Muốn đánh giá được mối quan hệ này cũng không phải là quá dễ dàng, nhưng các bạn có thể sử dụng phương pháp tin đồn của Fisher, bằng cách tìm hiểu qua mạng, qua bạn bè người quen của mình.
- Tiêu chí 8: “Đội ngũ lãnh đạo công ty có đoàn kết, đồng thuận cao không?”
Trên cùng một con thuyền bị lênh đênh trên biển không có định hướng nếu như các thuyền viên không đoàn kết với nhau mà mỗi người muốn đi về một hướng khác nhau bạn có thể hiểu được mức độ nguy hiểm ra sao rồi đấy ? MWG và CTD là 2 ví dụ trái ngược về những lãnh đạo đồng lòng đi lên vượt qua khó khăn và bên còn lại là những lãnh đạo không đoàn kết, rã đám, tách ra làm riêng lại thành đối thủ cạnh tranh.
- Tiêu chí 9: “Công ty có thật sự có chiều sâu quản lý không?”
Một doanh nghiệp nhỏ có thể làm nên những điều phi thường và trở thành một khoản đầu tư triển vọng trong dài hạn chỉ khi nó có người quản lý có tầm nhìn. Trong quá trình kinh doanh có nhiều những thăng trầm, và nhất là khi công ty trải qua thời kỳ khó khăn chỉ có những người quản lý tốt mới có thể tiếp tục lèo lái doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
- Tiêu chí 10: “Công ty có kiểm soát tốt hệ thống kế toán và phân tích chi phí không?”
Lợi nhuận = Doanh thu – chi phí
Như vậy khi phân tích doanh nghiệp cái cần quan tâm không chỉ là doanh thu tăng tăng mà còn cần chú ý tới chi phí của doanh nghiệp. Nếu doanh thu tăng mạnh nhưng các chi phí cũng tăng theo với tỉ lệ tương ứng hoặc hơn lợi nhuận của doanh nghiệp, cái mà cổ đông quan tâm cũng khó được cải thiện.
- Tiêu chí 11: “Công ty có chú ý đến những khía cạnh kinh doanh khá khác biệt với tính chất của ngành, những khía cạnh mang lại cho nhà đầu tư đầu mối quan trọng về mức độ nổi trội của công ty so với đối thủ cạnh tranh không?”
- Tiêu chí 12: “Công ty có triển vọng lợi nhuận ngắn hạn và dài hạn như thế nào?”
Một số công ty sẽ hoạt động nhằm đạt được lợi nhuận tối đa trước mắt. Trong khi đó, những công ty khác lại cắt bớt lợi nhuận trước mắt nhằm xây dựng lòng tin, và do đó có thể thu được những khoản lợi nhuận lâu dài. Cách cư xử giữa người bán và người mua cho thấy rõ điều này. Một số công ty thỏa thuận lỏng lẻo với các nhà cung cấp. Công ty khác lại chi trả tiền trước, thậm chí là vượt mức giá cho các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô, hoặc những phụ kiện có chất lượng cao luôn sẵn có kể cả khi thị trường biến động.
Sự khác biệt trong cách cư xử với các khách hàng là dễ nhận thấy nhất. Một công ty chấp nhận rắc rối và phí tổn đặc biệt để chăm sóc nhu cầu của một khách hàng thường xuyên đang rơi vào tình trạng khó khăn, sẽ khiến lợi nhuận trước mắt thấp hơn nhưng lại thu được lợi nhuận cao hơn trong dài hạn.
- Tiêu chí 13: “Trong tương lai, nếu công ty có dự tính tăng trưởng dựa trên việc tăng vốn cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, lợi ích của các cổ đông hiện tại có giảm sút không?”
Giai đoạn 2021- đầu 2022 vừa qua, chứng kiến hàng của doanh nghiệp tăng vốn bằng cách này, bạn cần đánh giá số tiền thu được, công ty có sử dụng hiệu quả, hợp lý để phát triển không?
- Tiêu chí 14: “Bộ máy quản lý công ty có luôn minh bạch với các nhà đầu tư về tình hình công ty khi nó hoạt động tốt nhưng lại che giấu khi có vấn đề?”
Để có thể đánh giá được tiêu chí này, các bạn có thể đọc báo cáo tài chính của công ty, nghiên cứu từng khoản mục xem có hiện tượng xào nấu báo cáo hay không? Một số khoản các bạn có thể chú ý đến là: khoản khấu hao, hàng tồn kho, phải thu khách hàng, đầu tư tài chính, đầu tư vào công ty con…
- Tiêu chí 15: “Bộ máy quản lý công ty có liêm khiết không?”
Các bạn có thể sử dụng phương pháp tin đồn để tìm hiểu về lãnh đạo của công ty. Có thể là qua báo chí, hoặc những câu chuyện về bộ máy quản lý công ty qua các diễn đàn hay các nhân viên của công ty.
Hi vọng 15 tiêu chí của Philip Fisher sẽ giúp ích, làm kim chỉ nam cho các nhà đầu tư!
Nguồn: https://spcapital.vn/
Discussion about this post