Trên thị trường Việt Nam, tôi phân chia thành 4 phong cách đầu tư chính:
- Lướt sóng T+: Nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu và bán ra trong một thời gian siêu ngắn có thể chỉ T+3 đến T+7, và thường chỉ giữ dưới 1 tháng.
- Đầu tư ngắn hạn: Nắm giữ cổ phiếu từ 1 đến 4 tháng
- Đầu tư trung hạn: Nắm giữ cổ phiếu từ 5 tháng đến 1 năm
- Đầu tư dài hạn: Nắm giữ cổ phiếu trên 1 năm
Không có quy định rõ ràng về các khoảng thời gian chính xác cho khoảng thời gian của từng phong cách, trên đây là dựa vào kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Và bạn cũng đừng bị vướng mắc quá nhiều vào các khoảng thời gian rạch ròi, có thể nói nó là khoảng tầm nhìn khi tiếp cận từng thương vụ cổ phiếu thì đúng hơn.
Các phong cách đầu tư cần trang bị kiến thức, cách tiếp cận như nào?
Lướt sóng T+
Đây là phong cách rất được yêu thích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhất là các nhà đầu tư mới nhưng nó có thật sự hiệu quả?
Dựa chủ yếu vào phân tích kỹ thuật, phải rất thành thạo phân tích cung cầu, dòng tiền và khả năng timing (định thời điểm) cực kỳ chính xác. Nhưng có một sự thật đến cả những chuyên gia đầu tư hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới cũng không ai dám chắc về khả năng dự báo, timing chính xác đến từng ngày, từng tuần được, đã là dự báo thì đều có xác suất cả. Thế mà ngoài kia rất nhiều broker tự tin, hô hào mình làm được.
Vậy đâu là yếu tố cần thiết nhất nếu muốn lướt sóng T+?
Cần một trong những yếu tố sau “trời độ”, “con cháu chủ tịch”, “họ hàng tạo lập”. Hiểu chính xác là may mắn sẽ chiếm một phần rất cao trong phương pháp này còn nếu không, bạn phải có tin nội bộ chính xác từ doanh nghiệp, nhà tạo lập (đa phần là fake news, và giao dịch tin nội bộ cũng vi phạm luật chứng khoán).
Chính vì lẽ đó, đây không phải phong cách khuyến nghị cho phần đông các nhà đầu tư. Thật ra, tôi còn không tính nó là đầu tư mà đơn giản chỉ là mua bán, đầu cơ.
Đầu tư ngắn hạn
Theo thống kê, đây là phong cách rất đông nhà đầu tư cá nhân lựa chọn khi tham gia thị trường chứng khoán, phải chiếm trên 65% số lượng người.
Các yếu tố cần thiết của một nhà đầu tư ngắn hạn:
- Cũng giống như lướt sóng T+, bạn phải rất thành thạo về phân tích kỹ thuật, phân tích cung cầu, dòng tiền để tìm điểm vào ra cổ phiếu hợp lý. Song có điểm khác là may mắn mặc dù vẫn cần xong không phải yếu tố then chốt nữa.
- Tiếp đó là khả năng quản trị vốn, quản trị rủi ro phải được đề cao, mỗi thương vụ đầu tư chỉ nên chiếm một phần rất nhỏ trong số vốn hiện có. Không được để phụ thuộc vào bất kỳ vụ đầu tư cổ phiếu cụ thể nào do bạn giao dịch với tần suất lớn, dẫn đến khả năng mắc sai lầm càng nhiều
- Trend – Xu hướng là từ khóa cần nhớ kỹ. Bạn phải nắm bắt, cập nhật xu hướng thị trường, cổ phiếu liên tục để chắc chắn chỉ giao dịch khi lợi thế đang nghiêng về phía bạn, xu hướng đang ủng hộ bạn.
Ngoài các yếu tố đó ra thì bạn cũng cần dành khá nhiều thời gian nghiên cứu đồ thị và theo dõi biến động giá cả và thời gian để thành thạo cả kỹ năng kể trên. Ai theo phong cách này thì có thể gọi là nhà giao dịch (trader) hơn là nhà đầu tư vì nó sẽ gắn liền với bạn như một công việc Full-time.
Đầu tư ngắn hạn, lướt sóng có cần phân tích cơ bản?
Qua 2 phong cách đầu tư phổ biến là lướt sóng T+ và đầu tư ngắn hạn đã nói ở các bài trước, có thể thấy tôi đều không nhắc tới phân tích cơ bản, nghiên cứu doanh nghiệp, báo cáo tài chính, đánh giá ngành, vĩ mô? Thật ra đây mới là những yếu tố nền tảng ảnh hưởng quan trọng đến thị trường chứng khoán. Tại sao lại như vậy?
Như câu nói của Warren Buffett: “Có những thứ vẫn phải cần thời gian, bất kể bạn có tài năng hay đổ bao nhiêu công sức: Bạn không thể sinh con trong vòng một tháng bằng cách làm có thai chín phụ nữ”, doanh nghiệp cũng vậy, cũng cần thời gian để tăng trưởng không thể chỉ trong 1, 2 tháng được.
Vậy nên theo tôi, nếu dùng phân tích cơ bản thì ít nhất cũng phải có tầm nhìn 6 tháng (2 quý). Còn đầu tư trong thời gian quá ngắn hơn thế thì thực sự không quá cần thiết, bạn chỉ phải lưu ý tránh các cổ phiếu có khả năng mất thanh khoản, “múa bên trăng”, và quản trị rủi ro thì dựa trên điểm cắt lỗ ngắn.
Theo quan điểm của tôi, đầu tư trung và dài hạn mới thực sự là đầu tư chân chính, đây là phong cách tiếp cận phổ biến của các quỹ đầu tư. Chúng ta luôn nhớ đằng sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp, một tài sản có thể tăng trưởng vô hạn, chúng ta đầu tư không vì lợi nhuận, kết quả kinh doanh, tin vĩ mô, ngành tích cực của hiện tại mà là dự báo điều tốt đẹp, triển vọng trong vài quý tới, trong năm tới.
Đầu tư trung hạn
Đầu tư trung hạn khác với 2 phong cách đầu tư ngắn hạn và lướt sóng khi bắt đầu có tầm nhìn dài hơi hơn, vài quý. Lúc này, các yếu tố trong phân tích cơ bản trở nên quan trọng hơn, yếu tố may mắn cũng giảm đáng kể, quan trọng là nhất là năng lực phân tích, đánh giá của chính bản thân nhà đầu tư về doanh nghiệp, cổ phiếu đó.
Các yếu tố cần thiết của một nhà đầu tư trung hạn:
- Đầu tư trung hạn cần sự kết hợp giữa cả 2 trường phái phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về cổ phiếu và doanh nghiệp đằng sau đó
- Cần có khả năng nhận định, đánh giá sóng ngành, xu hướng
- Khi đầu tư trung hạn, những câu chuyện riêng của từng cổ phiếu cũng được thể hiện hơn chỉ là những tin đồn thổi trong ngắn hạn, cái này cần bạn theo dõi đủ sâu để đánh giá đúng.
- Yếu tố quản trị danh mục vẫn rất cần thiết và có nhiều cách hơn ngắn hạn như đa dạng hóa, hạ tỷ trọng từng phần, triển vọng cổ phiếu có tương tác đúng với kỳ vọng doanh nghiệp…
Đây là phong cách tôi khuyến nghị các nhà đầu tư mới nên dùng để tiếp cận thị trường do tính linh hoạt, đa dạng các yếu tố cũng như khả năng cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro, bạn sẽ trau dồi được các khía cạnh nền tảng tốt hơn từ đó hoàn thiện phương pháp phù hợp với bản thân.
Đầu tư dài hạn
Đầu tư dài hạn là phong cách đầu tư của hầu hết các quỹ lớn hiện nay kể cả Việt Nam lẫn trên thế giới và đây là phong cách ít cần sự may mắn hơn cả. Với phong cách này, cổ phiếu không còn chỉ là giá trên thị trường mà cần quan tâm đến giá trị hơn, giá trị ở đây là định giá của cả doanh nghiệp đó trong vòng 1 đến vài năm tới có thật sự hấp dẫn không? Có thể trong ngắn hạn giá cổ phiếu không biểu thị đúng giá trị doanh nghiệp nhưng trong dài hạn thì giá luôn đi đôi với giá trị.
Vậy đâu là yếu tố cần thiết của một nhà đầu tư dài hạn?
- Phân tích cơ bản là yếu tố bắt buộc, ở đây phải là PTCB chuyên sâu chứ không chỉ còn dừng lại ở bản BCTC hàng quý, hàng năm. Nhà đầu tư phải đi sâu vào doanh nghiệp hiểu rõ về ngành kinh doanh, các điểm lợi thế của doanh nghiệp như lợi thế cạnh tranh, thương hiệu, lãnh đạo, sản phẩm, đánh giá của các khách hàng và đối thủ trực tiếp…
- PTKT vẫn có thể sử dụng được chứ không hoàn toàn mất tác dụng như nhiều người vẫn nghĩ song sẽ dùng chính khi kết hợp PTCB vĩ mô để đánh giá thị trường chung trong thời gian dài.
- Quản trị danh mục, rủi ro sẽ chính là việc bạn liên tục đánh giá lại giá trị của doanh nghiệp đó hàng tháng, háng quý, để không lơ là, mất cảnh giác trước những thay đổi cốt lõi. Và thêm nữa cần dũng cảm thừa nhận sai lầm, sửa sai ngay sau đó vì những sai lầm ở đầu tư dài hạn sẽ thường nghiêm trọng hơn.
- Lúc này đa dạng hóa lại không còn quá cần thiết nữa, bạn chỉ cần phân bổ vào số lượng ít cổ phiếu và theo dõi kỹ càng, tuy nhiên không nên chỉ đầu tư vào duy nhất 1 cổ phiếu.
- Yếu tố kỷ luật và tâm lý đầu tư cũng giảm bớt sự quan trọng khi bạn không hoạt động nhiều trên thị trường.
Sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao nhà đầu tư cá nhân lại ít đầu tư dài hạn trong khi hầu hết các quỹ và tổ chức lại làm như vậy? Câu trả lời đơn giản như Warren Buffett đã từng nói: “Vì không ai muốn giàu chậm cả”. Còn ở nhà đầu tư tổ chức nguồn vốn của họ cực kỳ lớn nên chỉ lãi những phần trăm nhỏ cũng là con số rất lớn. Đó cũng là khác biệt giữa mục tiêu kỳ vọng khi tổ chức họ biết đủ còn nhà đầu tư cá nhân thì bao nhiêu cũng là ít.
Nguồn: https://spcapital.vn/
Discussion about this post