Trong phương pháp phân tích cơ bản có một công cụ rất hiệu quả, đó là các tỷ số tài chính. Chính những tỷ số này sẽ giúp nhà đầu tư (NĐT) có được góc nhìn tổng quan nhất về tình hình hoạt động của công ty, từ đó đưa ra quyết định giao dịch phù hợp. Trong bài viết dưới đây, spcapital.vn sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về các tỷ số tài chính này!
Phương pháp phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản là phương pháp giúp NĐT lựa chọn được cổ phiếu tốt để đầu tư. Khi sử dụng phương pháp này, NĐT sẽ phát hiện được đâu là cổ phiếu của doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích cho cổ đông.
Trong phân tích cơ bản, NĐT cần quan tâm đến các mảng như: Phân tích vi mô – vĩ mô, phân tích ngành, đọc hiểu và phân tích các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, định giá công ty, dự phòng chỉ tiêu tài chính…Trong đó, các chỉ tiêu tài chính là dữ liệu quan trọng, giúp NĐT hình dung được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tại một thời điểm/khoảng thời gian nhất định, từ đó đưa ra được những quyết định đúng đắn.
Trong bài viết này, spcapital.vn sẽ nghiên cứu về 5 nhóm tỷ số, đó là:
- Tỷ số phản ánh khả năng thanh toán nhanh.
- Tỷ số phản ánh khả năng cân đối vốn.
- Tỷ số phản ánh hiệu quả hoạt động.
- Tỷ số phản ánh khả năng sinh lời.
- Tỷ số về giá trị thị trường.
Các tỷ số tài chính trong phương pháp phân tích cơ bản
Trong phần này, chúng ta cùng tìm hiểu lần lượt về đặc điểm và ý nghĩa của 4 nhóm tỷ số đã nêu trên.
Tỷ số phản ánh khả năng thanh toán nhanh
Tỷ số phản ánh khả năng thanh toán nhanh hay còn gọi là tỷ số thời điểm, nghĩa là con số sau khi tính được chỉ phản ánh ý nghĩa tại một thời điểm đó. Để tính được, NĐT cần có các giá trị trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Và sau khi tính xong, chúng ta sẽ so sánh tỷ số này với 1, với tỷ số trung bình ngành và tỷ số của kỳ trước. Nếu tỷ số càng cao thì khả năng thanh toán càng lớn.
Dưới đây là các tỷ số thuộc nhóm này, bao gồm cả cách tính và ý nghĩa:
Tên tỷ số | Công thức | Ý nghĩa |
Tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn |
Tài sản ngắn hạn : Nợ ngắn hạn |
Một đồng tiền nợ ngắn hạn của doanh nghiệp được tài trợ bởi bao nhiêu đồng tiền Tài sản ngắn hạn. Tỷ số này giúp NĐT đánh giá được khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, nếu con số này nằm trong khoảng từ 1 – 2 thì chứng tỏ doanh nghiệp đang có khả năng chi trả. |
Tỷ số khả năng thanh toán nhanh |
(Đầu tư tài chính ngắn hạn + Phải thu ngắn hạn + Tiền) : Nợ ngắn hạn |
Một đồng nợ ngắn hạn của DN được tài trợ bởi bao nhiêu đồng Tài sản có tính thanh khoản cao. Tỷ số này giúp NĐT xác định khả năng thanh toán toán nhanh chóng các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. |
Tỷ số khả năng thanh toán tức thời |
Tiền : Nợ ngắn hạn |
Một đồng nợ ngắn hạn của DN được tài trợ bởi bao nhiêu đồng Tiền. Tỷ số này giúp NĐT đánh giá khả năng thanh toán ngay lập tức các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Nếu tỷ số 0.1 thì khả năng thanh toán tức thời của DN tương đối tốt. |
Tỷ số phản ánh khả năng cân đối vốn
Tỷ số phản ánh khả năng cân đối vốn được chia thành 4 loại:
- Tỷ số nợ trên tổng tài sản (hệ số nợ).
- Tỷ số VCSH trên tổng tài sản (hệ số VCSH, hệ số tự tài trợ).
- Tỷ số Nợ phải trả trên Vốn chủ sở hữu.
- Tỷ số khả năng thanh toán lãi vay (TIE).
Dưới đây là công thức tính và ý nghĩa của mỗi tỷ số:
Tỷ số | Công thức | Ý nghĩa |
Tỷ số nợ trên tổng tài sản (hệ số nợ) |
Nợ phải trả : Tổng tài sản |
Trung bình, cứ 100 đồng tài sản của DN thì có bao nhiêu đồng vốn DN có được là do vay mượn. Tỷ số này được so sánh với: Số kỳ trước và số trung bình ngành. Hệ số nợ càng cao thì mức độ lệ thuộc vào tài chính bên ngoài càng lớn, nghĩa là khả năng tự chủ tài chính càng thấp. Tỷ số này nên nằm từ 0.25 đến 0.75 là hợp lý nhất. |
Tỷ số VCSH trên tổng tài sản (hệ số VCSH, hệ số tự tài trợ) |
1 – Hệ số nợ hoặc VCSH : Tổng tài sản |
Trung bình, cứ 100 đồng tài sản của DN thì có bao nhiêu đồng vốn có được không phải từ vay mượn. |
Tỷ số Nợ phải trả trên Vốn chủ sở hữu |
Nợ phải trả : VCSH |
Trung bình, với một đồng vốn mà chủ sở hữu DN phải tự bỏ ra thì DN cần phải đi vay mượn thêm bao nhiêu đồng vốn nữa thì mới đáp ứng đủ được nhu cầu vốn kinh doanh. Sau khi tính, tỷ số này cũng được so sánh với 1, so với kỳ trước và tỷ số trung bình ngành. Tỷ số càng cao chứng tỏ mức độ lệ thuộc tài chính bên ngoài cao và khả năng tự chủ tài chính thấp. |
Tỷ số khả năng thanh toán lãi vay (TIE) |
EBIT : Lãi vay
Trong đó EBIT được tính bằng công thức Lợi nhuận trước thuế + Lãi vay |
Một đồng chi phí lãi vay mà DN phải trả trong kỳ được tài trợ bởi bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế và lãi. Tỷ số này càng cao thì càng tốt, nếu TIE < 1 thì DN đang làm ăn thua lỗ. |
Tỷ số phản ánh hiệu quả hoạt động
Nhóm này gồm các tỷ số như:
- Vòng quay hàng tồn kho.
- Vòng quay Tổng tài sản (Hiệu suất sử dụng tổng tài sản).
- Vòng quay khoản phải thu (Kỳ thu tiền trung bình).
Công thức và ý nghĩa được tổng hợp trong bảng sau:
Tỷ số | Công thức | Ý nghĩa |
Vòng quay Hàng tồn kho |
Giá vốn hàng bán : Hàng tồn kho |
Vòng quay hàng tồn kho là số lần mà hàng hóa tồn kho bình quân luân chuyển trong kỳ. Tức là trong kỳ đã qua, trung bình một đồng vốn mà DN đầu tư vào hàng tồn kho hoàn thành được bao nhiêu vòng luân chuyển. Tỷ số này thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho của mỗi DN. |
Vòng quay Tổng tài sản (Hiệu suất sử dụng tổng tài sản) |
Doanh thu thuần : Tổng tài sản |
Tỷ số này giúp NĐT biết trong kỳ đã qua, trung bình một đồng tài sản tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu thuần. |
Vòng quay khoản phải thu (Kỳ thu tiền trung bình) |
Khoản phải thu : Doanh thu thuần |
Chỉ tiêu này cho biết bình quân độ dài thời gian tính từ khi DN giao hàng cho đến khi DN nhận được tiền hàng trong kỳ đã qua. |
Tỷ số phản ánh khả năng sinh lời
Tỷ số phản ánh khả năng sinh lời còn được gọi là nhóm tỷ số thời kỳ, được tính thông qua các chỉ số thuộc báo cáo kết quả kinh doanh và bảng cân đối kế toán. Sau khi tính NĐT thực hiện so sánh với tỷ số kỳ trước, tỷ số cùng kỳ của DN cùng ngành. Tỷ số này càng cao càng chứng tỏ DN đang hoạt động có hiệu quả.
Tỷ số | Công thức | Ý nghĩa |
Tỷ suất doanh lợi doanh thu (ROS) (Lợi nhuận ròng biên) |
Lợi nhuận sau thuế : Doanh thu thuần |
Trong kỳ đã qua, trung bình cứ trong 100 đồng Doanh thu thuần thì có bao nhiêu đồng là lợi nhuận sau thuế. Nếu ROS > 20% thì chứng tỏ DN có thể đang có lợi thế cạnh tranh, còn nếu ROS < 10% thì DN đang gặp cạnh tranh cao. |
Tỷ suất doanh lợi tổng tài sản (Tỷ suất sinh lợi tổng tài sản) (ROA) |
Lợi nhuận sau thuế : Tổng tài sản |
Trong kỳ đã qua, trung bình một đồng tài sản của DN tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập cho chủ sở hữu. |
Tỷ suất doanh lợi Vốn chủ sở hữu (Tỷ suất sinh lợi Vốn chủ sở hữu) (ROE) |
Lợi nhuận sau thuế : Vốn chủ sở hữu |
Trong kỳ đã qua, trung bình một đồng VCSH của DN tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập cho chủ sở hữu. |
Thu nhập một cổ phần thường (EPS) |
(Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức trả cho cổ đông ưu đãi) : Số cổ phần thường lưu hành bình quân |
Trong kỳ đã qua, trung bình ứng với một cổ phiếu thường được DN sử dụng để huy động vốn, DN tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập cho chủ sở hữu. |
Tỷ số giá thị trường
Thông tin về nhóm tỷ số thị trường được trình bày chi tiết trong bảng:
Tỷ số | Cách tính | Ý nghĩa |
Hệ số giá trên thu nhập (Tỷ số P/E – Price/Earning Ratio) | Giá thị trường của cổ phiếu : EPS |
NĐT sẵn sàng trả bao nhiêu đồng để có được một đồng thu nhập của DN. NĐT có thể so sánh P/E của DN đang nghiên cứu với: P/E của các DN cùng ngành. Tỷ số P/E càng cao càng cho thấy thị trường kỳ vọng nhiều vào khả năng sinh lợi, cũng như đánh giá cao triển vọng tương lai của ND; và ngược lại. |
Hệ số giá thị trường trên giá trị sổ sách (Tỷ số M/B, Book ratio) |
Giá thị trường 1 cổ phần : Giá trị sổ sách 1 cổ phần |
Mối quan hệ giữa giá thị trường và giá trị sổ sách 1 cổ phần của công ty. Sau khi tính NĐT so sánh với M/B của các công ty cùng ngành. Tỷ số M/B càng cao càng cho thấy thị trường đánh giá cao triển vọng phát triển của DN, và ngược lại. |
Như vậy, bài viết trên đây của spcapital.vn đã nêu rõ công thức và ý nghĩa của từng tỷ số tài chính cần thiết trong phân tích cơ bản một cổ phiếu. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp NĐT thành công trên thị trường chứng khoán.
Nguồn: SP Capital
Discussion about this post