Chứng khoán phái sinh Việt Nam là các công cụ tài chính, có giá trị phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Loại chứng khoán này sẽ quy định quyền lợi/nghĩa vụ đi kèm của các bên tham gia vào hợp đồng trong việc thanh toán/chuyển giao tài sản cơ sở theo giá thỏa thuận tại một thời điểm cố định trong tương lai. Để hiểu hơn về chứng khoán phái sinh, bài viết dưới đây sẽ nêu rõ khái niệm, phân loại và các đặc điểm bạn cần lưu ý trước khi đầu tư.
[Giải đáp] Chứng khoán phái sinh Việt Nam là gì?
Chứng khoán phái sinh Việt Nam thực chất là các công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị cả một loại tài sản cơ sở. Chứng khoán phái sinh Việt Nam quy định quyền lợi và nghĩa vụ (hoặc một trong hai) của các bên tham gia vào hợp đồng với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao loại tài sản cơ sở, mức giá của tài sản đã được thỏa thuận trước tại một thời điểm cố định trong tương lai.
Nhóm tài sản cơ sở trong chứng khoán phái sinh bao gồm:
- Kim loại
- Nông sản (hàng hóa)
- Cổ phiếu
- Lãi suất
- Trái phiếu (công cụ tài chính)…
Phân loại chứng khoán phái sinh Việt Nam
Chứng khoán phái sinh Việt Nam được chia thành 4 loại: Hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi. Dưới đây là khái niệm và đặc điểm của từng loại.
- Hợp đồng kỳ hạn: Là thỏa thuận giữa các bên tham gia mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm cố định trong tương lai, với mức giá đã được định trước ở thời điểm hiện tại.
- Hợp đồng tương lai: Là hợp đồng kỳ hạn đã được chuẩn hóa, niêm yết, giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán.
- Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn chỉ có quyền, không có nghĩa vụ thực hiện mua/bán một loại tài sản cơ sở tại thời điểm cố định trong tương lai, theo mức giá định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch tại thời điểm người nắm giữ hợp đồng yêu cầu thực hiện quyền. Loại hợp đồng này bao gồm cả quyền chọn mua và chọn bán.
- Hợp đồng hoán đổi: Là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia về việc hoán đổi dòng tiền phát sinh từ công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng quy định rõ phương pháp tính toán và thời điểm hoán đổi dòng tiền.
Trong 4 loại Chứng khoán phái sinh Việt Nam thì hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm đầu tiên được chuẩn hóa, niêm yết, thực hiện giao dịch trên thị trường trong nước. Cụ thể, hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (HNX30 và VN30) và hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ (có kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn là do: tính chất đơn giản, độ rủi ro thấp, tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch đối với hợp đồng tương lai không quá khác so với giao dịch cổ phiếu.
Điểm khác biệt giữa giao dịch hợp đồng tương lai và giao dịch cổ phiếu
Giao dịch chứng khoán phái sinh Việt Nam diễn ra tương tự với giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư thực hiện giao dịch qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư cần phải có một khoản tiền (ít nhất 2 triệu) trong tài khoản để mua cổ phiếu và thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, với hợp đồng tương lai, bạn không cần có đủ tiền để tham gia vị thế mua hoặc có tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán mà cần làm quen với hai hoạt động chính: Thanh toán hàng ngày và ký quỹ.
Ký quỹ là gì? Hoạt động như thế nào?
Trong chứng khoán phái sinh Việt Nam, ký quỹ đóng vai trò như khoản đặt cọc đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên tham gia hợp đồng. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu được quy định bởi trung tâm lưu ký cho mỗi loại hợp đồng khác nhau trước khi tham giao dịch. Nếu nhà đầu tư không có đủ tiền ký quỹ như được yêu cầu sẽ bị gọi ký quỹ, yêu cầu nộp đủ để tiếp tục giữ vị thế trong hợp đồng tương lai.
Thanh toán hàng ngày
Cơ chế thanh toán hàng ngày là điểm khác biệt rõ nhất của chứng khoán phái sinh Việt Nam. Nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch và đang nắm giữ vị thế trong hợp đồng tương lai thì cần thực hiện thanh toán lãi/lỗ phát sinh từ vị thế trong mỗi ngày.
- Nếu tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán phái sinh lỗ ròng, nhà đầu tư phải thanh toán đủ số lỗ đó trước 9h00 sáng hôm sau.
- Nếu tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán phái sinh lãi ròng, nhà đầu tư nhận đủ lãi sau 11h00 sáng hôm sau.
Lãi hoặc lỗ đối với mỗi vịt thế sẽ được tính dựa trên giá giao dịch tại thời điểm đóng cửa hợp đồng tương lai. Riêng với hợp đồng tương lai chỉ số đã đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ tính toán theo giá đóng cửa của chỉ số đó tại ngày đáo hạn hợp đồng.
Bài viết trên đây đã nêu ra những kiến thức cơ bản về chứng khoán phái sinh Việt Nam, hy vọng đã giúp bạn hiểu hơn về loại chứng khoán này.
Nguồn: SP Capital
Discussion about this post