Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận đà giảm mạnh trong quý 2 vừa qua, phản ánh được những tổn thất to lớn gây ra bởi các chính sách phong toả chống Covid-19 và phủ thêm bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu…
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm ạnh trong quý 2
Số liệu thống kê kinh tế được Bắc Kinh công bố vào ngày 15/7 trong bối cảnh mối lo suy thoái kinh tế đang phủ lên toàn cầu. Mối lo này đã bị đẩy cao khi các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nền kinh tế lớn đang đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát. Lãi suất tăng cao đặt ra sức ép lớn hơn lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, giữa lúc họ đang phải đương đầu với thách thức từ cuộc chiến giữa Nga-Ukraine và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đã giảm 2,6% trong quý 2 so với quý 1, thấp hơn nhiều so với mức dự báo chỉ giảm 1,5% mà giới phân tích đã đưa ra trước đó và mức tăng trưởng 1,4% đạt được trong quý 1 vừa qua.
Theo số liệu mới công bố GDP quý 2 của Trung Quốc chỉ tăng 0,4%, không đạt được mức dự báo tăng 1%. Trong quý 1, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa đầu năm, GDP Trung Quốc đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5,5% mà Chính phủ nước này đã đề ra.
2. Các chính sách phong tỏa đã được nới lỏng để phục hồi kinh tế
Phong toả toàn phần hoặc một phần là chính sách đã được áp dụng tại các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, bao gồm cả tại trung tâm tài chính Thượng Hải. Trong quý 2, GDP của Thượng Hải ghi nhận giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, các biện pháp phong toả đã được dỡ bỏ hoặc nới lỏng dần. Các dữ liệu thống kê trong tháng 6 cũng cho thấy một vài sự cải thiện. Tuy nhiên, giới phân tích cũng không kỳ vọng kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi nhanh. Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách chống dịch Zero Covid trong tình trạng nước này tiếp tục có những đợt bùng phát dịch. Thị trường bất động sản của Trung Quốc đang sụt giảm mạnh, và triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng tiếp tục xấu đi.
Việc một số địa phương đã tái áp dụng phong toả và sự xuất hiện của biến chủng phụ BA.5 có tốc độ lây lan cao đang khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc càng thêm lo lắng về một thời kỳ kinh tế bấp bênh kéo dài.
Giới phân tích cho rằng PBOC có dư địa hạn chế để tiếp tục nới lỏng thêm chính sách, vì việc nới lỏng có thể dẫn tới sự tháo chạy của các dòng vốn ngoại khỏi Trung Quốc, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nền kinh tế lớn khác đang đẩy mạnh việc thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát. Bên cạnh đó, lạm phát ở Trung Quốc – chưa thực sự cao như ở nhiều quốc gia khác nhưng cũng đang tăng dần, đặt ra những hạn chế khác đối với việc nới lỏng hơn các chính sách tiền tệ.
3. Các chỉ số về tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc
Một cuộc khảo sát từ hãng tin Reuters dự báo sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt 4% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% đã được đề ra.
Các số liệu khác được công bố ngày thứ Sáu cho thấy sản lượng cộng nghiệp của Trung Quốc đã tăng 3,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, tăng tốc so với mức tăng 0,7% đã đạt được trong tháng 5 nhưng thấp hơn mức dự báo sẽ tăng 4,1%.
Doanh thu ngành bán lẻ đã tăng 3,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng, tốt hơn mức dự báo tăng 0% và mức giảm 6,7% ghi nhận trong tháng 5vừa qua.
Đầu tư tài sản cố định đã tăng 6,1% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức dự báo tăng 6% nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,2% đạt được trong 5 tháng đầu năm 2022.
Tình hình thị trường việc làm vẫn còn mong manh. Tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc đã giảm xuống còn 5,5% trong tháng 6, từ mức 5,9% trong tháng 5. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lại lập kỷ lục 19,3% trong tháng 6 này, cao hơn nhiều so với mức 18,4% trong tháng 5 vừa qua.
Đang có sự phục hồi mong manh, ngành bất động sản đang thiếu vốn của Trung Quốc lại gặp phải sức ép từ việc người mua nhà trên toàn quốc đang dừng việc thanh toán các khoản vay thế chấp nhà cho tới khi các công ty bất động sản nối lại được việc xây dựng các dự án đã bán trước.
Số liệu thống kê mới nhất đã cho thấy giá nhà ở nước này giảm 0,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn mức giảm 0,1% được ghi nhận trong tháng 5.
Đầu tư bất động sản đã giảm 9,4% trong tháng 6, sau khi giảm 7,8% trong tháng 5. Doanh số bất động sản tháng 6 giảm thêm 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này cho thấy mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế đã đề ra của Trung Quốc rất khó có thể đạt được.
Nguồn: Sapphire Capital – VnExpress
Discussion about this post