Sáng ngày 5/7, Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022. Tại hội thảo, ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, lạm phát năm 2022 sẽ trong tầm kiểm soát, dưới mục tiêu đề ra là mức 4%.
1. Các yếu tố giúp kiểm soát lạm phát
PGS, TS. Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho biết, chỉ số CPI bình quân 6 tháng đã tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ trong năm 2021, CPI tháng 6/2022 đã tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và đã tăng 3,37% so với tháng 6/2021.
Chỉ số lạm phát cơ bản cũng tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với thời điểm tháng 7/2021. Bình quân trong 6 tháng, lạm phát cơ bản ghi nhận tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, mức này thấp hơn CPI bình quân chung (2,44%) cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu là do giá lương thực, xăng dầu.
Nhận định về chỉ số lạm phát của 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Bá Minh cho rằng, CPI tăng chủ yếu là do giá xăng dầu biến động tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến CPI chung tăng thêm1,87 điểm phần trăm; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp vào mức tăng CPI chung thêm 0,3 điểm phần trăm.
Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới CPI tăng đó là giá cả vật liệu bảo dưỡng nhà đã tăng đến gần 8% so với cùng kỳ năm 2021 và do giá xi măng, sắt thép, cát… tăng theo giá nhiên nguyên vật liệu đầu vào, khiến cho CPI chung tăng thêm 0,16 điểm phần trăm.
Đưa ra dự báo lạm phát cuối năm, theo ông Nguyễn Bá Minh, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% – 3,9%. Nguyên nhân góp phần kiềm chế lạm phát đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tương lai của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao nhất những tháng vừa qua.
Lạm phát cơ bản tăng thấp
Lạm phát cơ bản tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với tháng 7/2021. Bình quân 6 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (2,44%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua cũng phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung – cầu trên thị trường nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 sẽ không quá căng thẳng, giúp cho giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
Một nguyên nhân giúp “kìm” đà tăng của lạm phát được cho là nhờ hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai nhanh nhạy các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều tiết chính sách tiền tệ với mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã được xây dựng.
2. Dự báo CPI năm trung bình năm 2022
Theo TS. Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, với mức lạm phát hiện tại, dư địa để kiểm soát lạm phát trung bình dưới mức 4% trong năm nay còn khá lớn.
TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, để lạm phát trung bình cả năm nay có thể vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong nửa 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là chỉ số CPI sẽ phải tăng trung bình 0,7% mỗi tháng còn lại của 2022. Tuy nhiên, xác suất để kịch bản này diễn ra không cao, bởi có thể thấy giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.
Giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm trong khi kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại và Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản sẽ có khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không còn tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng chỉ số CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát trung bình trong năm nay vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.
TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cũng đưa ra 2 kịch bản, trong đó dự báo CPI bình quân dao động quanh mức 4%.
Kiến nghị các biện pháp để bình ổn giá từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị cần thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát thật linh hoạt, chủ động. Trong đó, Chính phủ nên tập trung ổn định giá cả để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân; đồng thời, kết hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và tiền tệ, tránh gây nhiều tác động cộng hưởng lên lạm phát.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; không đồng thời tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.
Thận trọng điều hành hàng hóa do nhà nước định giá
Kiến nghị các giải pháp về điều hành giá cuối năm, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình kinh tế, lạm phát thế giới và các chính sách ứng phó của các nước, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Nguồn: Sapphire Capital – TBTCVN
Discussion about this post