Báo cáo tài chính là công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư (NĐT) nắm bắt được các biến động tài chính trong doanh nghiệp (DN). Chính vì vậy, trong thời gian lựa chọn DN, NĐT không thể bỏ qua các báo cáo tài chính để tìm ra dấu hiệu bất thường hoặc tiềm năng để đầu tư. Trong bài viết dưới đây, spcapital.vn sẽ giới thiệu những dấu hiệu mà NĐT cần chú ý khi nghiên cứu báo cáo tài chính của DN.
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là các thông tin kinh tế được kế toán viên trình bày dưới các dạng bảng biểu; cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh cũng như các nguồn tiền của doanh nghiệp dùng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các quyết định kinh doanh.
Những con số này sẽ thể hiện doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả hoặc gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh sản xuất gần đây. NĐT nên tìm hiểu về bản báo cáo này trước khi quyết định đầu tư, và việc nhận ra những dấu hiệu bất thường sẽ giúp họ giảm thiểu được nguy cơ rủi ro tối đa.
Những dấu hiệu bất thường cần lưu ý khi đọc báo cáo tài chính
Một báo cáo tài chính của DN niêm yết trên sàn chứng khoán thường gồm những phần sau mà NĐT cần lưu ý:
- Báo cáo kết quả kinh doanh.
- Bảng cân đối kế toán.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Thuyết minh báo cáo tài chính.
Dưới đây là những dấu hiệu bất thường mà NĐT cần chú ý khi đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu đang tăng lên (debt to equity ratio)
Hệ số này được tính bằng công thức: Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu. Hai khoản mục này NĐT có thể dễ dàng tìm thấy trong bảng cân đối kế toán. Hệ số này tăng lên qua các năm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang sử dụng nợ. Một dấu hiệu báo động đó là nếu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 100% nghĩa là DN đang dùng nợ nhiều hơn vốn có.
Doanh thu liên tục bị giảm qua các năm
Doanh nghiệp có nhiều hơn 2 năm liên tục bị sụt giảm doanh số thì chứng tỏ DN đang kinh doanh không tốt hoặc đang gặp phải sự cạnh tranh quá gay gắt của đối thủ. Đôi lúc, NĐT sẽ thấy DN phải cắt giảm chi phí bằng cách bỏ các khoản chi tiêu lãng phí hoặc cắt giảm nhân sự để bù vào việc suy giảm về doanh thu.
Nếu DN không có dấu hiệu thay đổi trong các chiến lược kinh doanh cốt lõi ở những năm cắt giảm trung và dài hạn thì cũng không có nhiều ý nghĩa đối với việc thúc đẩy kinh doanh phát triển. NĐT có thể tìm thấy mục doanh thu ở đầu của mỗi bảng báo cáo kinh doanh của DN.
Khoản mục “chi phí khác” trong bảng cân đối kế toán lớn bất thường
Các DN thường có khoản mục “chi phí khác” hay biến động/quá nhỏ để định lượng, và đây cũng là điều rất bình thường trong các báo cáo tài chính hoặc bảng cân đối kế toán. Nếu mục “chi phí khác” có giá trị cao bất thường, NĐT nên tìm hiểu nguyên nhân về sự tăng bất thường này. Đồng thời, NĐT cũng có thể dự đoán khoản mục này có thể xuất hiện trong năm tiếp theo không. NĐT cũng nên đặt câu hỏi về tính minh bạch của ban lãnh đạo nếu mục này cao bất thường nhưng không hề có khoản thuyết minh cụ thể nào trong các “thuyết minh báo cáo tài chính”.
Dòng tiền thiếu ổn định
NĐT có thể nghiên cứu dòng tiền của DN qua các báo cáo lưu chuyển tiền tệ; và đặc biệt chú ý tới dòng tiền thuần từ các hoạt động kinh doanh, từ hoạt động tài chính, cũng như dòng tiền đầu tư. Dòng tiền hoạt động kinh doanh lớn hơn 0 đều đặn qua các năm chứng tỏ rằng doanh nghiệp vẫn đang có hoạt động kinh doanh tố, tạo ra tiền cho các cổ đông. Một DN không tạo ra tiền từ các hoạt động cốt lõi phải đi vay nợ để đầu tư, để trả cổ tức là một rủi ro mà NĐT nên cân nhắc trước khi trở thành cổ đông.
Sự tăng lên của khoản phải thu và hàng tồn kho liên quan tới doanh thu của DN
Tiền ở các khoản thu hoặc hàng tồn kho là các khoản tiền không tạo ra lợi nhuận. Điều quan trọng là phải có đủ hàng tồn kho để có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng, tuy nhiên một DN lại không muốn các khoản phải thu chiếm phần đa trong doanh thu hoặc trữ nhiều hàng tồn không bán được. Đôi khi các khoản phải thu tồn tại liên tiếp qua nhiều năm, có nguồn gốc từ công ty con/công ty liên quan đến ban lãnh đạo, thì đây sẽ là dấu hiệu đỏ của sự minh bạch của ban lãnh đạo. Rất có thể, các khoản thu này chỉ với mục đích làm đẹp báo cáo tài chính và không thể thu về được.
Phát hành cổ phiếu liên tục
Doanh nghiệp hoặc công ty khi có càng nhiều cổ phiếu lưu hành thì càng bị “pha loãng”. Nếu số lượng cổ phần của DN liên tục tăng lên từ 2 – 3%/năm thì số cổ phiếu này sẽ làm loãng giá trị của công ty đó, đặc biệt là những DN hoạt động kém hiệu quả liên tục chia cổ tức bằng cổ phiếu thì NĐT nên tránh xa. Đây chỉ là chiêu trò của ban lãnh đạo và “đội lái” lừa lấy tiền của NĐT.
Nợ vay cao hơn tài sản bảo đảm
Kinh nghiệm cho thấy, một số DN duy trì ổn định tài sản cũng như nợ vay khi ngành kinh doanh không phụ thuộc vào yếu tố mùa hoặc ít bị ảnh hưởng bởi các áp lực thị trường. Kể các công ty trong ngành có tính mùa vụ cũng có thể để nợ cao hơn so với tài sản bảo đảm.
Về phương diện kỹ thuật, nợ vay cao hơn so với tài sản đảm bảo thường nằm trong kế hoạch được lập. Nếu DM để nợ phải trả tăng cao mà không hề có tài sản bảo đảm thì đây cũng là dấu hiệu của việc sử dụng “đòn bẩy” quá nhiều.
Giảm biên lợi nhuận gộp
Biên lợi nhuận gộp được tính bằng công thức lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần. Hai khoản này NĐT có thể tìm thấy ở đầu mỗi báo cáo tài chính. Trong đó, biên lợi nhuận gộp là một thước đo thể hiện chi phí sản xuất trực tiếp ra hàng hóa/dịch vụ, do vậy biên lợi nhuận cần đủ để trang trải các chi phí hoạt động (chi phí nợ). Tỷ suất lợi nhuận biên giảm qua nhiều năm là điều mà NĐT cần lưu ý, khi chỉ số này càng giảm nhiều chứng tỏ công ty đang mất dần lợi thế kinh doanh vốn có của mình.
Trước khi quyết định đầu tư vào DN nào đó, NĐT cần phân tích kỹ các báo cáo tài chính trong nhiều năm của DN. Điều này sẽ giúp NĐT nhận ra những điểm bất thường và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
Nguồn: Sp Capital
Discussion about this post