Theo CNBC, tại cuộc họp thường kỳ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã thông báo rằng cơ quan này sẽ sớm bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng vào cuối tháng này, đồng thời tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0.
Nội dung cuộc họp Fed
Theo kế hoạch, Fed sẽ cắt giảm 15 tỷ USD “bơm” vào thị trường mỗi tháng, gồm 10 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Quy mô chương trình mua tài sản của Fed hiện đang ở mức 120 tỷ USD/tháng.
- Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho biết động thái này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đã đạt được sự hồi phục đáng kể hơn so với những mục tiêu trước đó đề ra.
- Cơ quan này cũng cho hay lộ trình cắt giảm mua tài sản là không cố định mà sẽ có sự điều chỉnh nếu cần thiết.
Động thái này của Fed được đánh giá là phù hợp với kỳ vọng của giới đầu tư, các thị trường phản ứng tích cực, chỉ số cổ phiếu tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ nhích cao hơn. Theo lịch trình hiện tại, việc giảm mua tài sản sẽ kết thúc vào khoảng tháng 7/2022.
“Cuộc họp này của Fed không gây bất ngờ. Họ không thể tính chuyện đẩy nhanh kế hoạch nâng lãi suất vì làm vậy sẽ khiến tăng trưởng giảm tốc, vì hiệu ứng cơ sở so sánh thấp của tăng trưởng đã không còn”. – CEO Mark Yusko của Morgan Creek Capital Management nhận định
Ngoài ra, FOMC đã đồng thuận giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0, một động thái cũng được thị trường dự đoán trước đó. Song, cơ quan này nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư không nên coi việc bắt đầu cắt giảm mua tài sản như một tín hiệu sắp tăng lãi suất. Mặt khác, các dự báo được công bố vào tháng 9 cho thấy kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất một lần vào năm sau.
Bên cạnh đó, Fed gần như vẫn giữ nguyên quan điểm về lạm phát khi cho rằng giá cả hàng hóa tăng lên do một số yếu tố “nhất thời”, sự mất cân bằng cung và cầu do đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế đã góp phần làm giá cả tăng mạnh tại một số ngành.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: Ông kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục tăng khi các vấn đề về nguồn cung tiếp tục diễn và và sau đó bắt đầu giảm trở lại vào khoảng giữa năm 2022. Ông cũng cho rằng nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện, đặc biệt là sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng được giải quyết.
Lạm phát đã ở mức cao nhất trong 30 năm, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu tiêu dùng cao và mức lương tăng cao xuất phát từ tình trạng thiếu lao động. Các quan chức Fed cho rằng lạm phát cuối cùng cũng sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của họ, nhưng quá trình đó bầy giờ có thể mất nhiều thời gian hơn.
Biến động thị trường sau cuộc họp FED
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/11), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tuyên bố được kỳ vọng từ lâu về cắt giảm chương trình mua tài sản được triển khai kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giá dầu thô có một phiên giảm mạnh do lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng vượt dự báo.
Các chỉ số nới rộng mức tăng một cách vững chắc sau khi tuyên bố trên được đưa ra, dù thị trường đã giảm điểm vào đầu phiên. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,29%, đạt 36.157,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65%, đạt 4.660,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1%, đạt 15.811,58 điểm.
Đây là mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy của cả ba chỉ số, đồng thời là phiên thứ tư liên tiếp cả ba chỉ số cùng chốt ở mức kỷ lục mới.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 1,8%, đạt 2.404,28 điểm, cũng là một mức kỷ lục. Tuần này, chỉ số đã tăng 4,7%.
Với tốc độ cắt giảm 15 tỷ USD mỗi tháng, chương trình mua tài sản của Fed dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm tới. Điều này không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, Fed cho biết sẵn sàng điều chỉnh quy mô của chương trình nếu triển vọng kinh tế có sự thay đổi. Ngoài ra, Fed giữ nguyên quan điểm rằng lạm phát tăng cao ở Mỹ chỉ là vấn đề tạm thời.
“Việc họ tiếp tục nói lạm phát là tạm thời cho thấy họ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài nữa” – Chuyên gia Michael Arone của State Street Global Advisors phát biểu.
Lãi suất tham chiếu cho vay qua đêm được Fed giữ nguyên ở khoảng 0-0,25% trong lần họp này.
Phiên này, thị trường còn đón nhận báo cáo tài chính quý 3 của một loạt doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều công ty đưa ra doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Lyft tăng 8,2% nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Tương tự, cổ phiếu CVS Health tăng 5,7%.
Một mùa báo cáo tài chính rực rỡ là nhân tố chính đưa chứng khoán Mỹ lên những mức kỷ lục mới thời gian gần đây. Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo tính đến thời điểm này, 80,9% đưa ra kết quả vượt dự báo, theo số liệu từ FactSet. Kết quả khả quan này có được bất chấp loạt thách thức gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động, giá vật tư leo thang, và những rủi ro về Covid.
- Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa giảm 2,41 USD/thùng, tương đương giảm 2,8%, còn 82,33 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,74 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, còn 81,17 USD/thùng.
- Dầu giảm giá sau khi số liệu mới nhất từ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 3,3 triệu thùng trong tuần trước, một mức tăng vượt dự báo, dù dự trữ xăng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.
Phát biểu khi dự thượng đỉnh khí hậu ở Glasgow, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không nâng sản lượng dầu mạnh hơn là nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu tăng cao. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng bán lẻ bình quân trên toàn quốc ở Mỹ đã tăng khoảng 6%, lên mức 3,4 USD/gallon.
Cuộc họp về sản lượng của OPEC+, liên minh giữa OPEC với một số thành viên ngoài khối, sẽ diễn ra vào ngày 4/11.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy giá dầu tăng cao khuyến khích các hãng dầu khí khai thác mạnh hơn. Hãng BP hôm thứ Ba cho biết sẽ tăng mức đầu tư vào khai thác dầu khí đá phiến ở Mỹ trong năm 2022 lên 1,5 tỷ USD, từ mức 1 tỷ USD của năm nay.
Tổng sản lượng khai thác dầu của Mỹ hiện đạt bình quân 11,5 tỷ thùng/ngày, cao nhất từ đầu năm.
Nguồn: Spcapital
Discussion about this post