Trong báo cáo vừa công bố của Vietnam Report, trên cơ sở tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 nhiều chuyên gia đã tham gia khảo sát nhận định, tác động của đại dịch Covid-19 đã lùi dần, nhường chỗ cho viễn cảnh tươi sáng hơn của ngành ngân hàng trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2022.
1. Một số nhận định tích cực
Theo thống kê khảo sát cho thấy có khoảng 63,6% số chuyên gia và ngân hàng dự báo tình hình tăng trưởng của ngành sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức năm ngoái (58,8%). Có khoảng 9,1% số chuyên gia và ngân hàng đã tỏ ra thận trọng với triển vọng của ngành, đáng chú ý, con số này được cho là đã rất tích cực nếu so sánh với thời điểm đại dịch ảnh hưởng mạnh nhất và phủ bóng đen lên hầu khắp các nền kinh tế, khiến cho 76,9% số chuyên gia và ngân hàng lo ngại về nguy cơ suy giảm tăng trưởng (tháng 6/2020).
Động lực cho dự báo này có thể thấy chủ yếu đến từ việc tăng trưởng tín dụng đã phục hồi mạnh mẽ, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, lượng tiền gửi đã tăng trở lại, thu nhập ngoài lãi cũng tăng trưởng tốt hay chi phí hoạt động được cải thiện nhờ chuyển đổi số cũng đã là các yếu tố giúp cho ngành ngân hàng có động lực tăng trưởng trong năm 2022.
2. Ba rủi ro tiềm ẩn trong đà tăng trưởng trong thời gian tới
Thứ nhất, rủi ro vỡ nợ chéo từ trái phiếu bất động sản vẫn còn tiềm ẩn. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng đã bị siết chặt từ thời điểm cuối năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu đã trở thành một trong những phương án huy động vốn hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát trái phiếu đã hành trong quý 1/2022 tăng khoảng 18,98% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị khoảng 56.674 tỷ đồng, trong đó thì ngành bất động sản nhóm có lượng trái phiếu phát hành đạt tổng giá trị 28.581 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, trái phiếu bất động sản đã gặp nhiều biến động với hàng loạt những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu, huy động tiền từ các nhà đầu tư.
Theo tin tức từ Fiin Research, áp lực từ việc trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn trong vòng 3 năm tới của các doanh nghiệp bất động sản đang là rất lớn. Đây chính là nguyên nhân có thể gây ra rủi ro thanh khoản cho các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, đặc biệt là các ngân hàng. Một nửa số trái phiếu đã phát hành của các doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ là trái phiếu của nhóm bất động sản.
Do đó, các ngân hàng có thể sẽ đối mặt với rủi ro vỡ nợ chéo từ một lượng lớn trái phiếu bất động sản của các doanh nghiệp chưa niêm yết nằm trong nhóm nghi ngờ về khả năng trả nợ.
Thứ hai, nợ xấu đang gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tín dụng. Thống kê cho thấy, nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Những khoản nợ sau khi được ngân hàng cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện thì buộc hệ thống phải chính thức đưa vào danh sách là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 đã hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.
Do triển vọng về nợ xấu sẽ gia tăng vào năm 2022 nên từ khoảng cuối năm 2021, phần lớn các ngân hàng đã thực hiện tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản trong năm nay.
Xu hướng này tiếp tục được duy trì khi kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.
Dù vậy, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu hiện tại đã khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình bị giảm nhẹ từ 118% hồi đầu năm xuống còn 112% tại thời điểm kết thúc quý 1/2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu công bố có thể sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2022.
Vì vậy, hoạt động tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của các ngân hàng lại đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thứ ba, bộ đệm an toàn vốn vẫn còn mỏng. Nhóm các ngân hàng cần thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao hơn như Basel 2, Basel 3… từ đó nâng cao năng lực quản trị rủi ro và có thể tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khác trong khu vực.
Một trong số những chỉ tiêu quan trọng nhất về quản trị rủi ro là tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Theo nghiên cứu từ Fiin Research, tỷ lệ CAR của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức 11,3% trong năm 2021, khá thấp so với các nước khác trong khu vực, và có dấu hiệu suy giảm tại quý 1/2022, một số ngân hàng thương mại lớn hầu như không đáp ứng được yêu cầu về chỉ tiêu an toàn vốn của Basel 2.
Tỷ lệ CAR suy giảm một phần là do các tổ chức tín dụng đã áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận Basel 2, với yêu cầu tính tài sản có rủi ro ở mức độ chặt chẽ hơn, đồng thời các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản… cũng đã bị áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn.
Dù vốn điều lệ của các ngân hàng đã tăng khá tốt trong năm 2021 thông qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, nhưng tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm lại dần. Hiện nay, áp lực tăng vốn đang đè nặng nên các ngân hàng ngày một tăng, trở thành một thách thức lớn đối với sự tăng trưởng trong năm nay của 36,4% số ngân hàng, tăng 8,6% so với năm ngoái. Hơn 54,6% số ngân hàng nhận định rằng tăng vốn điều lệ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.
Nguồn: Sapphire Capital – VnEconomy
Discussion about this post