Khi hiểu được tương quan của chu kỳ kinh tế và các ngành, nhà đầu tư (NĐT) sẽ thuận lợi hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu phù hợp với từng giai đoạn. Trong bài viết dưới đây, spcapital.vn sẽ trình bày đặc điểm cụ thể của từng ngành, giúp NĐT sẽ có những quyết định của riêng mình.
Tương quan của chu kỳ kinh tế và các ngành: Nên chọn ngành nào trong từng giai đoạn?
Standard & Poor’s là công ty con của McGraw-Hill, cung cấp các dịch vụ tài chính và hiện có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đây là một trong Top 3 công cơ quan tín dụng lớn và uy tín nhất trên toàn thế giới.
Dựa trên nghiên cứu về sự khác nhau của mức sinh lời của 90 ngành so với mức sinh lời của chỉ số S&P 500 trong 10 chu kỳ kinh tế hoàn chỉnh (12/1945 – 12/1995), Standard & Poor’s đã tổng kết mô hình tương quan của chu kỳ kinh tế và chu kỳ của thị trường chứng khoán. Mô hình này đã chứng minh được giải thuyết: Trong một chu kỳ kinh tế điển hình, tại mỗi thời điểm khác nhau, sẽ có các ngành sinh lời hơn khi so với thị trường chung.
Trả lời câu hỏi “Nên chọn ngành hàng nào trong từng giai đoạn kinh tế?”
Tương quan của chu kỳ kinh tế và các ngành hàng được diễn giải chi tiết thông qua các đề mục dưới đây:
Hàng tiêu dùng không có tính chu kỳ
Cổ phiếu của ngành hàng tiêu dùng không có tính chu kỳ (thực phẩm)/ngành tiêu dùng có tính tăng trưởng (thuốc lá, mỹ phẩm, nước giải khát…) có sức cầu “khá ổn định” và ít nhạy cảm đối với chu kỳ kinh tế. Do vậy, NĐT bị hấp dẫn bởi cổ phiếu ngành hàng này khi chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán đang ở đầu của giai đoạn suy thoái hoặc đạt đỉnh.
Hàng tiêu dùng có tính chu kỳ
Cổ phiếu thuộc nhóm này gồm ngành hàng tiêu dùng lâu bền và không lâu bền, đặc biệt nhạy cảm với chu kỳ kinh tế và lãi suất. NĐT thường tìm kiếm cổ phiếu loại này để đầu tư vào cuối giai đoạn suy thoái kinh tế.
Ngành chăm sóc sức khỏe
Ngành chăm sóc sức khỏe gồm: Công ty dược phẩm, công ty công nghệ sinh học, hãng sản xuất thiết bị y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe. Cổ phiếu thuộc ngành này không chịu tác động của chu kỳ kinh tế và có tính phòng vệ cao. Bởi vì, cho dù đang trong giai đoạn nào, giàu hay nghèo thì con người vẫn quan tâm tới sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, các công ty dược phẩm lại chịu tác động của thị phần, vòng đời bản quyền sản xuất thuốc, thời gian cấp phép lưu hành thuốc, kết quả hoạt động nghiên cứu – phát triển… Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học vẫn đang trong giai đoạn phát triển, “vận may” của họ phụ thuộc vào kỳ vọng của NĐT liên quan đến giá trị của các phát minh mới.
Ngành tài chính
Cổ phiếu của ngân hàng cho vay mua nhà đất thường có các phản ứng tốt với điều kiện lãi suất giảm. NĐT thường hướng tới các loại cổ phiếu này trong ngành tài chính vào giữa/cuối chu kỳ suy thoái.
Ngành công nghệ
Cổ phiếu thuộc ngành công nghệ mang tính chu kỳ, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu chi tiêu vốn cũng như nhu cầu của người tiêu dùng/doanh nghiệp. Các công ty công nghệ có tiềm năng lớn phát triển trong dài hạn vì sản phẩm công nghệ thường mang tính ứng dụng cao và công nghệ mới thì luôn thu hút sự quan tâm của người sử dụng.
Cổ phiếu công nghệ thường được NĐT lựa chọn ở giai đoạn đầu/giữa của chu kỳ tăng trưởng kinh tế.
Ngành công nghiệp cơ bản
Ngành công nghiệp cơ bản có thể là ngành vật liệu xây dựng hoặc công nghiệp sản xuất đầu vào cho các ngành công nghiệp khác (xi măng, thép, tôn…). Lợi nhuận của ngành công nghiệp này liên quan đến hiệu suất sử dụng máy móc cao và nhu cầu của thị trường lớn. Bởi vậy, cổ phiếu của ngành thường hấp dẫn các NĐT vào cuối giai đoạn tăng trưởng kinh tế.
Hàng hóa vốn
Đây là ngành chế tạo thiết bị máy móc, công cụ cho ngành nông/công nghiệp. Chi tiêu vốn thường tăng mạnh vào giữa thời kỳ tăng trưởng kinh tế khi nền kinh tế đang nóng lên và nhu cầu về hàng hóa cao hơn, từ đó doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất.
Ngành vận tải
Ngành vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt phản ánh rất nhanh các dấu hiệu của sự hồi phục nền kinh tế. Trong giai đoạn này, đơn đặt hàng bắt đầu gia tăng, sản xuất được tăng trưởng trở lại nên ngành vận tải được hưởng lợi đầu tiên. Bên cạnh đó, vận tải hàng không lại phụ thuộc rất nhiều vào giá nhiên liệu, áp lực cạnh tranh giá vé và hiệu suất sử dụng máy bay.
Ngành năng lượng
Ngành năng lượng gồm các công ty thăm dò và khai thác dầu khí sử dụng trong nước/xuất khẩu, công ty cung cấp dịch vụ năng lượng. Mỗi công ty sẽ có những động lực phát triển khác nhau, tuy nhiên đều chịu tác động của mối quan hệ cung cầu trên thế giới. Trong lịch sử, những biến động về chính trị đã tác động lớn đến ngành hàng năng lượng.
NĐT thường mua cổ phiếu ngành năng lượng khi đạt đỉnh tăng trưởng kinh tế.
Ngành dịch vụ tiện ích
Các công ty điện thường nhạy cảm với lãi suất bởi chi phí đầu tư lớn kèm theo sự tài trợ bằng nguồn vốn vay. Cổ phiếu thuộc ngành này thường lên giá khi ngân hàng trung ương có xu hướng hạ thấp lãi suất.
Ngành kim loại quý
Cổ phiếu ngành này thuộc các công ty khai thác mỏ và kim loại quý, bị ảnh hưởng nhất bởi lạm phát cũng như nhu cầu người tiêu dùng. NĐT ưa chuộng cổ phiếu này vào điểm cuối của giai đoạn tăng trưởng.
Như vậy, chu kỳ kinh tế là yếu tố tác động quan trọng mà NĐT cần tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn cổ phiếu. Với mỗi giai đoạn của chu kỳ sẽ có những ngành hàng được hưởng lợi so với thị trường, do vậy NĐT cần nhạy bén và xác định được khoảng thời gian nên đầu tư để thu được lợi nhuận cao nhất.
Nguồn: SP Capital
Discussion about this post